Vào cung Vương Chấn (hoạn quan)

Vương Chấn người Úy châu thuộc phủ Đại Đồng, Sơn Tây,[5] vốn là một nho sĩ.

Ông tự hoạn mình tiến thân vào cung làm giáo quan thời Minh Thành Tổ, dạy học trong cung. Đến thời Minh Tuyên Tông, ông được giao việc dạy học cho thái tử Chu Kỳ Trấn ở Đông cung, làm chức Cục lang. Vua Tuyên Tông ban cho ông danh hiệu "tiên sinh" để gọi.

Từ thời Minh Thái Tổ đặt ra chế độ nghiêm khắc cấm hoạn quan can dự triều chính và trao đổi với các quan bên ngoài. Đến thời Minh Thành Tổ, vì vua nhờ vào sự hỗ trợ của các hoạn quan để giành được ngôi vua của cháu là Huệ Đế, nên phá lệ của vua cha, cho các hoạn quan tâm phúc tham gia triều chính. Đến thời Tuyên Tông, triều đình lập ra Nội thư đường trong cung và cắt cử một số hoạn quan phụ trách việc giảng dạy, trong đó đặc cách cho một số người thi mãi không trúng tự nguyện hoạn mình vào cung. Vương Chấn ở trong số đó.[6]

Do phần lớn hoạn quan ít chữ nghĩa, nên Vương Chấn nhanh chóng trở thành người nổi trội trong hàng ngũ các thái giám. Bằng trí tuệ và khéo cư xử, ông đã chiếm được sự quan tâm của thái tử Chu Kỳ Trấn.[4]